Làm gì để bảo vệ mắt trước dịch đau mắt đỏ?
Thông thường “dịch đau mắt đỏ” xuất hiện vào tháng 9 hàng năm khiến người không ít người hoang mang. Cần làm gì để bảo vệ mình và người thân trước căn bệnh lây lan này? Mời bạn cùng lắng nghe chia sẻ của PGS-TS Trần An về cách phòng ngừa và cách điều trị an toàn khi nhiễm bệnh.
Tiêu điểm trong bài
Những điều cần biết về dịch đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc cấp do nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút gây nhiễm trùng mắt. Biểu hiện dễ nhận thấy là đỏ mắt.
PGS-TS Trần An cho biết, đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở nhiều thời điểm trong năm, nhưng thông thường mùa dịch diễn ra mạnh khoảng tháng 8 đến tháng 10 sau đợt mưa nhiều ngày.
Sau đợt mưa dai dẳng là điều kiện và môi trường thuận lợi để vi rút gây bệnh phát triển mạnh. Nhiều yếu tố không tốt từ môi trường như ô nhiễm, khói bụi càng khiến dịch tăng nhanh. Bên cạnh đó những thói quen không tốt của người dân như vệ sinh mắt chưa đúng cách hoặc chung đồ dùng cá nhân sẽ làm dịch lây lan rộng.
Điều nguy hại là đau mắt đỏ dễ lây lan qua đường hô hấp, nước bọt và tiếp xúc với người bệnh. Do vậy bạn cần hết sức chú ý khi xung quanh có người bị mắc bệnh.
Dấu hiệu nhận biết bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ dẫn đến cảm giác cộm mắt, đau và chảy nước mắt khiến người bệnh khó chịu, thậm chí mờ mắt, cụ thể như sau:
- Chảy nhiều nước mắt.
- Đỏ mắt, ngứa và sưng.
- Đau , cộm liên tục.
- Có dịch màu trắng đục (do nhiễm vi rút hoặc dị ứng).
- Có rỉ mắt màu vàng hoặc xanh (do nhiễm khuẩn).
Ảnh hưởng của dịch đau mắt đỏ với cộng đồng
Đau mắt đỏ là bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt là ở trường học và những nơi đông người, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc, học tập.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có từ 150 đến gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu gặp ở trẻ em và người có sức đề kháng yếu.
Thông thường trường hợp bệnh đau mắt đỏ tự hết sau 7 đến 14 ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng chỉ định, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng như viêm, loét giác mạc…, dẫn đến suy giảm thị lực. Chính vì vậy, bệnh đau mắt đỏ cần được điều trị đúng cách.
Cách phòng ngừa và điều trị bệnh đau mắt đỏ
PGS-TS Trần An cho biết, tuy dễ lây lan nhưng bệnh đau mắt đỏ khá lành tính, ít để lại di chứng. Điều quan trọng bạn cần làm là có cách phòng và chữa bệnh hợp lý. Hãy chú ý đến một số vấn đề sau:
Cách phòng ngừa
- Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
- Tuyệt đối không dùng chung đồ dùng cá nhân và thuốc nhỏ mắt.
- Từ bỏ thói quen dụi mắt.
- Hạn chế tắm biển, đi hồ bơi và tránh tiếp xúc với những vật dụng có nguy cơ truyền bệnh.
- Đeo kính bảo vệ mắt và bịt khẩu trang khi ra ngoài.
Cách chữa trị
- Rửa tay bằng xà phòng sát trùng sau mỗi lần vệ sinh mắt và tra thuốc.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn, kháng viêm và kháng Histamine. Nên chọn những loại thuốc nhỏ mắt có chứa hoạt chất chống các bệnh nhiễm trùng mắt, trị viêm kết mạc, viêm mí mắt và ngứa mắt.
- Giặt sạch và phơi nắng hoặc sát trùng đồ dùng cá nhân.
- Để đồ dùng vệ sinh mắt ở nơi sạch sẽ.
- Không tự ý điều trị bằng mẹo dân gian.
- Người bệnh nên cách ly để hạn chế nguy cơ lây lan.
Nếu sau 5-7 ngày sử dụng thuốc mà không thuyên giảm, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở nhãn khoa để thăm khám.
Hiện tại đang trong mùa dịch nên bạn hãy cẩn thận trước mọi nguy cơ lây bệnh. Hãy giữ cho bản thân và gia đình đôi mắt khỏe mạnh, chống chọi lại với dịch bệnh này